Liệu triết học có nắm giữ những bí quyết để sống một cuộc sống hạnh phúc không? Trong buổi phỏng vấn này, Nhơn sẽ chia sẻ về niềm đam mê đọc sách của anh, đặc biệt là những quyển sách về triết học. Những suy nghĩ thấu đáo cho mọi người và lòng biết ơn đã giúp cho cuộc sống của anh trở nên vui và hạnh phúc hơn như thế nào. Nhơn đặc biệt ngưỡng mộ một triết gia, một sư thầy nổi tiếng, Thầy Thích Nhất Hạnh, người đã kết hợp nhiều giáo lý của Phật và Thiền.
About the storyteller
About the storyteller
Trong buổi phỏng vấn này, Nhơn sẽ chia sẻ với chúng ta vì sao triết lý có thể truyền cảm hứng để anh sống tốt hơn. Nhơn là một thanh niên ngoài 20 tuổi, mắc bệnh teo cơ, phải ngồi xe lăn từ khi học tiểu học. Nhưng anh biết chấp nhận sự thật và tự nhủ phải trân trọng và biết ơn những người xung quanh và những gì mình đang có. Ngoài ra, Nhơn rất hài hước và anh có cái nhìn rất tích cực về cuộc sống . Anh đã tình nguyện làm cố vấn cho Cộng Đồng trước khi làm công việc giáo dục trẻ em về cách đối xử với người khuyết tật. Nhơn cũng đã thực hiện một số video trên Youtube để quảng bá thông điệp về lòng biết ơn của mình. Các video của anh rất ý nghĩa và mang tính giải trí cao.
Phiên âm có sẵn
Trân:
Xin chào mừng quý vị đến với chương trình Speak My Language. Đây là một diễn đàn để những người khuyết tật từ các sắc tộc khác nhau tại Úc chia sẻ về việc thế nào mà có thể sống vui và khoẻ mạnh.
Tôi tên là Trân, và hiện nay đang làm việc tại Ethnic Communities’ Council của tiểu bang Queensland.
Trong những bài phỏng vấn của chương trình, chúng tôi tìm hiểu về những người khuyết tật từ các sắc tộc khác nhau, cách họ sử dụng kỹ năng cá nhân và các dịch vụ hỗ trợ trong cộng đồng như thế nào để sống vui vẻ dù họ đang sống ở bất cứ nơi nào.
Chúng tôi chia sẻ những chuyện có thật, những lời khuyên và ý tưởng của những người khuyết tật cũng như người khác để giúp quý vị có được thông tin về cơ hội, những hoạt động và những nơi dành cho người khuyết tật.
Trân:
Hello thính giả. Hôm nay Huyền Trân mời được một bạn trẻ. Anh ta rất là năng động và có những chuyện có thể share với mọi người khá là thú vị.
Hello Nhơn. Hôm nay có khỏe không Nhơn?
Nhơn:
Hello Trân. Hôm nay Nhơn khỏe. Trân có khỏe không?
Trân:
Trân rất là khỏe. Hôm nay thì mới đi chơi về với con cho nên là cũng khá là busy nhưng mà gặp Nhơn thì mình có thể trò chuyện thêm một chút xíu ha. Nhơn có thể tự giới thiệu chút xíu về bản thân của mình được không?
Nhơn:
Tên của Nhơn là Nhơn. Năm nay Nhơn 27 tuổi và Nhơn là một người có một cái khuyết tật, là cái bệnh teo cơ. Mà Nhơn cũng bây giờ thì đang làm việc với một tập đoàn giúp mấy đứa mà thiếu thốn. Mấy trẻ em mà thiếu thốn hay là họ cũng khuyết tật hay họ cần trợ giúp gì đó.
Trân:
Hiện tại bây giờ Nhơn đang sống chung với ba mẹ mà phải hông?
Nhơn:
Đúng vậy.
Trân:
Mà Nhơn có, nói chung là Nhơn là trẻ nhất trong gia đình hả? Mình có bao nhiêu người con vậy Nhơn? Trong gia đình của Nhơn đó có bao nhiêu anh em?
Nhơn:
Nhơn thì là lớn nhất trong nhà, có một đứa em hiện tại đang sống ở Sydney.
Trân:
À, OK. Thính giả ơi, nếu mà Huyền Trân nói trước rằng là Nhơn phải, giống như là mỗi lần mà nói mỗi 2,3 phút. Nếu mà nói nhiều hơi lâu thì Nhơn phải ngừng chút xíu để hút oxy vô. Thì nên nếu Nhơn nói chuyện có chút khoảng giây thì thính giả đừng có ngại ngùng mà bỏ qua giùm.
Nhơn ơi, lần trước mình có nói chuyện với nhau thì Nhơn nói rằng Nhơn rất thích quay video Youtube phải hông?
Nhơn:
À, đúng rồi.
Trân:
Nhơn có thể cho thính giả biết rằng cái sở thích này bắt đầu từ lúc nào hông?
Nhơn:
Cái sở thích này cũng bắt đầu khoảng 2,3 năm về trước. Lý do mà Nhơn làm một kênh Youtube bởi vì thứ nhất là Nhơn muốn chia sẻ cho mọi người năng lượng tích cực và vui vẻ. Và thứ hai là Nhơn muốn thử thách bản thân mình bởi vì làm một kênh Youtube thì nó là một điều mới mẻ. Và Nhơn cũng muốn thử thách bản thân làm thử xem như thế nào. Và Nhơn rất là vui Nhơn đã bắt đầu cái kênh này bởi vì nó đã giúp cho Nhơn có nhiều tự tin hơn và có mục đích trong cuộc sống, ví dụ vậy. Và mình có thể chia sẻ cái suy nghĩ và trải nghiệm của Nhơn cho mọi người.
Trân:
Những Youtube thì so far Nhơn làm được mấy cái rồi?
Nhơn:
Cũng nhiều mà có 2 cái mà Nhơn ấn tượng nhất.
Trân:
Thì cái đó là 2 cái mà trước Nhơn có gửi cho Trân đó phải hông?
Nhơn:
Đúng rồi. Nhơn có gửi cho Trân rồi.
Trân:
Trong email thì Nhơn có gửi cho Trân 2 cái Youtube. Một cái nếu mà Trân nhớ không lầm thì một cái là Nhơn đi phát thiệp Noel cho những người mà mình gặp trên đường mà mình hello rồi phát ra phải hông?
Nhơn:
Đúng rồi.
Trân:
Còn một cái nữa là Nhơn nói chung về cách suy nghĩ về cuộc sống phải hông?
Nhơn:
À, đúng rồi.
Trân:
Thì bây giờ, thính giả và Nhơn cho phép Trân hỏi thêm chút xíu về 2 cái Youtube này nha. Trước tiên thì mình hỏi về cái Youtube mà lúc Nhơn đi phát thiệp Noel cho những người lạ ở trên đường. Lúc đó thì Nhơn làm từ năm nào vậy?
Nhơn:
Hình như cái đó là 2019 thì phải. Cuối năm 2019.
Trân:
Hình như là trước khi cái mùa dịch Covid phải hông?
Nhơn:
Đúng rồi. Hình như cái thời gian đó trước khi.
Trân:
Khi mà Nhơn làm như vậy thì Nhơn phát ra được bao nhiêu cái thiệp nè?
Nhơn:
Cộng hết hình như khoảng 10 cái.
Trân:
Những cái thiệp này mình ghi bằng tay phải hông Nhơn? Hay là mình đánh máy ra?
Nhơn:
Cái này thì Nhơn có một người giúp viết ra những gì mà Nhơn muốn viết trong những thiệp đó.
Trân:
Và những thiệp này mình ghi bằng tiếng Anh hay có tiếng Việt nữa không?
Nhơn:
Đa số là tiếng Anh. Ở trong cái thiệp thì mình viết về. Mình chúc họ một Noel vui vẻ và mình cũng thêm mấy câu giống như là: bạn rất là quan trọng, hay là cảm ơn bạn đã tồn tại trên thế gian này.
Trân:
Không biết rằng là thính giả có ai thử làm những công việc như thế này không, nhưng mà Trân thấy rằng nó khá là thú vị phải không? Tại vì thực tình mà nói thì mình không biết là mình sẽ gặp ai, và mình cũng không biết là họ có muốn nhận cái thiệp của mình hông. Trong cái video này thì Trân xin hỏi chút xíu là trong những cái người mà Nhơn phát ra thì có ai. Hình như ai cũng lấy cái thiệp của mình mà phải hông? Hình như có một lần mà rất là vui đó Nhơn ha. Trân thấy là Nhơn có định đưa cho một cái cô này ở Botanical Gardens phải hông? Xong rồi cô ta hình như không biết là Nhơn muốn đưa thiệp cho cô ta nên là cô ta cứ tiếp tục đi thôi. Nhớ cái đó hông? Và Trân thấy rằng là Nhơn có nói một cái câu rất là vui ha. Ồ, cái cô này không muốn nói chuyện với mình rồi. Nhơn nhớ cái đó hông?
Nhơn:
Đúng rồi.
Trân:
Nhưng mà khi mà Trân coi thì Trân cảm thấy Nhơn là một người rất là, gọi là relaxed, mình không phải suy nghĩ nhiều đúng hông? Tại vì thực tình mà nói thì những người này chưa chắc là biết mình muốn làm gì đúng hông?
Trân định hỏi nữa là về cái Youtube mà Nhơn nói về những suy nghĩ của mình về cuộc sống. Thì trong đây Nhơn có nói rằng Nhơn có học những bài học rất là hay tại vì mình có một khuyết tật như thế này. Nhơn có thể tóm tắt lại và cho thính giả biết những bài học mà Nhơn học được là bài học gì hay không?
Nhơn:
Cũng được. Cái này là Trân nói cái video nào vậy?
Trân:
Cái video mà có cái nước mưa rớt xuống, rồi Nhơn nói rằng là tại vì mình có một cái bệnh như thế này nhưng mà nói làm cho Nhơn rất là biết ơn, biết ơn cuộc sống. Nhơn nhớ không? Thì Nhơn có thể tóm tắt cho thính giả biết, những thính giả mà chưa có được coi cái video này những bài học mà Nhơn đã học trong quá khứ là cái gì?
Nhơn:
Video đó có tên là bài học lớn nhất khi sống với bệnh teo cơ. Ai trong khán giả mà không biết là cái bệnh này thì cái cơ bắp của mình sau một thời gian thì nó sẽ từ từ mất đi, và liên tục cơ bắp càng lúc càng yếu đi. Lúc đầu thì như mấy đứa bình thường thôi, cũng đi chạy bộ, nhảy múa vân vân. Và sau này thì Nhơn mất cái sức mà có thể đi bộ được và sau đó phải dùng một chiếc xe lăn. Và cái bài học mà Nhơn ngộ ra sống được với cái bệnh này là trên đời này không có gì tồn tại mãi mãi. Tất cả là vô thường và những điều vui, thậm chí những điều không vui, nó cũng theo thời gian mà thay đổi. Và cái lý do tại sao mà cái bài học này nó rất là quan trọng bởi vì nó giúp cho Nhơn tôn trọng những thứ mà mình đang có. Những thứ nhỏ thôi cũng không cần lớn. Ví dụ ở trong cái video đó thì Nhơn nói Nhơn tôn trọng những điều nhỏ nhất, ví dụ tôn trọng tiếng chim hót hay là ánh nắng mặt trời, ví dụ vậy. Và tôn trọng những người thân của mình trong cuộc sống, sức khỏe của mình, rất là nhiều thứ mà mình không có để ý tới. Thì cái đó là bài học lớn nhất của Nhơn.
Trân:
Trong cái video đó, Trân cũng nhớ là Nhơn nói một cái câu là mỗi ngày mình nên phải biết quý trọng, hay mình đừng có mà, tiếng Anh gọi là take for granted đúng hông, là mình đừng có nên coi thường. Nhơn có thể cho thính giả biết là cái cách mà Nhơn quý trọng những cái gì, hay là những người trong cuộc sống của Nhơn như thế nào hông? Mình làm như thế nào để nhắc cho bản thân là đừng có quên những cái nhỏ nhoi?
Nhơn:
Nhơn thì cũng có một cái nó kêu bằng nhật ký biết ơn. Và ở trong nhật ký này mỗi ngày mình sẽ viết một điều gì đó mà mình thấy biết ơn. Ví dụ mình có thể viết hôm nay mình biết ơn vì có nước đặng uống, hay là có giường để nằm, ví dụ vậy. Còn cái thứ hai là mỗi ngày mình nên cám ơn cho những thứ mình đã có. Mình nên biết ơn những thứ mình có, và mình nói mình rất là may mắn có được điều này. Và mình phải liên tục làm cái điều này mỗi ngày.
Trân:
Có nghĩa rằng là Nhơn một là ghi xuống nhật ký ha, và hai là mình có thể là mình trực tiếp nói cám ơn, lời cám ơn ơn đó cho những người mà trong cuộc sống của mình. Còn nếu không nữa thì nhiều lúc Nhơn chỉ có suy nghĩ trong đầu thôi phải hông? Cái đó là Trân nói đúng hông?
Hình như Nhơn có nhắc đến là Nhơn rất thích đọc sách phải hông, nhất là về triết lý cuộc sống ha, phải không Nhơn? Nhơn có thể cho thính giả biết là lúc nào, khoảng cỡ mấy tuổi hay là có cái gì đó để mà thúc đẩy Nhơn có duyên với những sách triết lý này hông?
Nhơn:
Những điều triết lý, ví dụ những câu hỏi: cuộc đời này ý nghĩa là gì hay là mình là ai hay là làm sao được hạnh phúc. Nhơn lúc nhỏ lúc nào cũng tò mò những câu hỏi này. Và lúc đó Nhơn khoảng 20, 21 thì Nhơn có duyên biết đến một vị thầy tên là Thích Nhất Hạnh.
Trân:
Người Việt phải hông Nhơn?
Nhơn:
Người Việt mà ở Pháp. Và ổng đã viết rất là nhiều sách, và đó là bước đi đầu tiên của Nhơn đọc được những sách đó. Và sau này Nhơn thấy cái đó rất là thú vị, và sau đó Nhơn nghiên cứu về những triết lý khác. Ví dụ Đạo giáo hay là chủ nghĩa khắc kỷ, thậm chí những tôn giáo khác luôn. Và Nhơn thấy cái đó rất là thú vị và rất là có ích cho tâm trí của mình.
Trân:
Bây giờ Nhơn còn hay đọc những câu chuyện như thế này không? Không phải câu chuyện mà là những quyển sách như thế này không?
Nhơn:
Cũng còn. Cũng còn.
Trân:
Nói chung là Nhơn thực tình mà nói là sinh ở bên đây phải hông? Mình sanh ở bên đây hay là mình qua lúc còn nhỏ vậy Nhơn?
Nhơn:
Mình sanh ở đây.
Trân:
Mà thính giả thấy không, Nhơn rất là giỏi tiếng Việt đó nên là rất là quý trọng Nhơn cũng như là mong rằng thính giả có đang nghe nhớ rằng là không bao giờ quá trễ để mà bắt đầu đọc sách phải hông Nhơn?
Nhơn:
Đúng rồi.
Trân:
OK. Vài câu hỏi cuối cùng thì Trân định hỏi Nhơn có nhắc đến là Nhơn có đi làm. Nhơn làm part time phải hông?
Nhơn:
Yes. Làm casual.
Trân:
Nhơn bắt đầu công việc này bao lâu rồi?
Nhơn:
Ở đây cũng khoảng gần 6 tháng rồi.
Trân:
Những công việc thì nếu mà nói tóm tắt thì công việc của Nhơn là mình làm cái gì Nhơn?
Nhơn:
Thì Nhơn điều hành một cái chương trình. Chương trình có tên là Just Like You. Là cái ý nó giống như là, là sao ta?
Trân:
Giống như là Tôi Cũng Như Là Bạn phải hông? Mình tạm dịch như vậy.
Nhơn:
Đúng rồi. Và chương trình này nó cho những đứa trẻ em lớp 1 tới lớp 6. Và Nhơn đi khắp Brisbane và Gold Coast, đi mấy cái trường học làm những chương trình này. Và cái chương trình này nó nói về khuyết tật và nó dạy cho mấy đứa trẻ về cái cách tôn trọng và accept, chấp nhận khác biệt với mọi người và dạy cho họ không nên bắt nạt bạn bè mình hay là những người có khuyết tật.
Trân:
Phải nói rằng là Nhơn rất là năng động ha, và lúc nào cũng gọi là có công việc để làm đúng hông? Trong thời gian mà Nhơn đi làm công việc như thế này đó thì Nhơn cảm thấy như thế nào? Chẳng hạn như là lần đầu tiên mình có hồi hộp hay không? Và qua một vài lần rồi thì giờ Nhơn đi làm cảm thấy như thế nào?
Nhơn:
Thì lúc đầu rất là hồi hộp bởi vì cái chương trình này, một cái chương trình nó khoảng 45 phút, mà một ngày mình phải làm 4 cái chương trình, là liên tục đó. Sau cái này xong lớp khác vô, cái mình nói tiếp. Thì công việc này khá là lớn và Nhơn càng lúc làm thì bây giờ khá là tự tin và vui đã có công việc này, và rất là thích. Mình làm với mấy đứa trẻ cũng rất là vui. Bởi vì với Nhơn, mấy đứa trẻ họ rất là vô tư, họ không có phân biệt, họ không có phán xét. Họ chỉ có muốn chơi và họ rất là, có nhiều câu hỏi họ muốn biết. Và đó là một điều rất là vui. Họ muốn biết những cái bệnh và cách đối xử với người khuyết tật như thế nào.
Trân:
Thì hồi nãy Nhơn có nhắc đến là các em rất là tò mò đúng hông? Cái tuổi đó thì lúc nào cũng câu hỏi hết, đặt câu hỏi, giống như Trân bây giờ đang hỏi Nhơn. Trong những câu hỏi mà các em hỏi Nhơn thì có câu hỏi nào nó làm cho Nhơn giống như là mình muốn cười hông? Tại vì cái câu hỏi nó khá là dễ thương.
Nhơn:
Thì cũng có rất là nhiều, mấy đứa hỏi rất là nhiều. Nhơn nhớ một lần có một đứa thì Nhơn nói là Nhơn không đi được, mình phải dùng xe lăn. Và một đứa đưa tay nó hỏi vậy lúc Nhơn ngủ mộng du có đi được không? Câu hỏi này nó rất là vui bởi vì họ hỏi họ không có ác ý. Họ chỉ tò mò vậy thôi.
Trân:
Thì Nhơn trả lời như thế nào cho em bé này?
Nhơn:
Thì Nhơn trả lời cái đó là bí mật thôi.
Trân:
Bây giờ thì Nhơn đã gọi là, cái này là công việc đầu tiên của Nhơn phải hông?
Nhơn:
Đúng vậy.
Trân:
Coi như là mình cũng được trả lương mà phải hông Nhơn ha? Không trả lương thì đừng làm nha. Bây giờ thì Nhơn đã có một cái gọi là nguồn lợi tức rồi đó, là mình có chút xíu tiền để mình saving rồi đó ha. Nhơn định sẽ dùng số tiền này để mua cái gì hay là xài cái tiền này như thế nào?
Nhơn:
Nói thật thì Nhơn chỉ để đó để ngắm thôi. Mình dán lên tường nè, ví dụ vậy.
Trân:
Mình có thể mua vàng nữa đúng hông?
Nhơn:
Đúng vậy.
Trân:
Chứ Nhơn không có định là khao ba mẹ đi ăn, một bữa ăn rất là sang trọng luôn ha, trong restaurant chẳng hạn.
Nhơn:
Cái đó cũng là một cái câu đó. Nhơn muốn dùng giống như để trải nghiệm cuộc sống vậy đó. Mình trải nghiệm một thứ mới mẻ hay là mình dẫn cha mẹ đi ăn, ví dụ vậy. Cái đó cũng là những thứ mà mình nên tôn trọng và nên biết ơn.
Trân:
Một câu cuối cùng nha là khi mà mình nhắc đến tiền, Trân sực nhớ ra một cái câu là: Tiền bạc không thể mua được niềm vui, hạnh phúc. Nhưng mà đối với Nhơn thì bây giờ mình đã có tiền rồi thì sau khi mình có tiền rồi thì Nhơn nghĩ thế nào? Tiền bạc có thể giúp mình mua chút xíu hạnh phúc không?
Nhơn:
Đối với Nhơn là cái tiền bạc không có đúng hay sai. Nó chỉ là cái vật nào đó mình dùng thôi. Nếu dùng tốt thì có thể cho mình thêm cái niềm vui, nếu dùng không tốt thì nó có thể tạo thêm nợ, những thứ mà có thể hại mình. Thì Nhơn nghĩ như vậy.
Trân:
Trước khi mình xong cái ngày hôm nay thì Nhơn có thể gọi là cho những cái lời khuyên nào đối với những người đang nghe mình hông Nhơn?
Nhơn:
Đối với Nhơn thì Nhơn chỉ muốn nói trong cuộc sống này thì ai đi nữa cũng sẽ gặp khó khăn. Có người bị khuyết tật, có người thì không biết ba mẹ mình là ai, có người thì mất con cái bởi vì họ đụng xe hay vân vân. Và khó khăn đi nữa thì mình lúc nào cũng cố gắng mà không bao giờ từ bỏ. Mình cứ cố gắng mình sống tích cực và biết ơn những thứ xung quanh của mình. Tại vì rất nhiều thứ mình có thể tôn trọng và sẽ có niềm vui tại bây giờ chứ không cần đi kiếm cái gì ở ngoài mình. Mình đầy đủ rồi. Mình chỉ biết ơn thôi.
Trân:
Trân nghĩ rằng là nếu Trân nói thêm chút đỉnh thì có phải là ý của Nhơn nói rằng là cái niềm vui, hạnh phúc đó nó không nhất thiết là phải xa xôi đâu, đúng hông? Nhiều lúc nó ở trong căn nhà của mình, nó ở trong gia đình của mình, và nó ở trong mỗi ngày mà mình thường sống đều là hạnh phúc hết nếu mình có thể thay đổi suy nghĩ của mình, tư duy của mình, đúng hông?
Cám ơn Nhơn rất nhiều! Mình nói chuyện rất là vui hôm nay phải hông Nhơn? Có những cái giao lưu, trao đổi rất là hữu ích luôn.
Nhơn:
Tiếng Việt của Nhơn cũng không rành, thì nếu nói có gì sai thì khán giả xin thứ lỗi, bỏ qua.
Trân:
Cảm ơn Nhơn rất nhiều.
Nhơn:
Thank you Trân.
Nếu quý vị cảm thấy những bài phỏng vấn của chúng tôi hay hoặc hữu ích, hãy lên trang web speakmylanguage.com.au để biết thêm chi tiết. Và nhớ cho người thân và bạn bè của mình biết về chương trình của chúng tôi.
Chúng tôi có tài khoản trên Facebook, Twitter, Instagram, hoặc LinkedIn. Xin quý vị hãy giúp chúng tôi lan tỏa chương trình này trên khắp nước Úc và trên toàn thế giới!
Ethnic Communities’ Council của tiểu bang Queensland tự hào là nhà sản xuất chương trình Speak My Language tại Queensland.
Chương trình Speak My Language được tài trợ bởi Department of Social Services và được sự hợp tác của các Ethnic and Multicultural Communities’ Councils và Multicultural Councils tại mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ. Chương trình được phát thanh trên đài SBS và đài NEMBC.


Trân tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Queensland University of Technology. Trân hiện đang là nhân viên xã hội tại Trung tâm ở Darra, dưới sự quản lý của Cộng đồng... Go to page where you can read more about Tran Nguyen