Choose the page language

Đây là người điều hành nhóm Vòng tròn hỗ trợ của người khuyết tật nguồn gốc Việt Nam tại tổ chức Tổ chức Người khuyết tật Đa dạng (DDA). Cô cũng tham gia nhiều sinh hoạt khác nhau tại DDA chẳng hạn nhóm Cà phê Tâm tình nơi những người khuyết tật chia sẻ vui buồn và các ý tưởng sống vui sống khoẻ. Thi tin rằng chìa khóa để sống vui khoẻ là phát triển một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ. Cô chia sẻ lời khuyên về việc làm thế nào để tìm được sự hỗ trợ từ bạn bè đồng cảnh ngộ.

About the storyteller

Thi là phụ nữ trung niên vượt biên đến Úc từ 30 năm trước. Cô sử dụng xe lăn và nạng để giúp mình di chuyển. Thi luôn tích cực tham gia những vòng tròn kết nối hỗ trợ để tìm được bạn bè và có thêm nhiều kiến thức cho cuộc sống khuyết tật độc lập và vui vẻ. Cô chia sẻ kinh nghiệm tìm đến nhóm sinh hoạt nơi có những người hiểu và tôn trọng cô, cũng như một vòng tròn kết nối với xã hội có thể giúp người khuyết tật được lắng nghe.

 

Phiên âm có sẵn

Tâm:
Xin chào mừng quý vị đến với chương trình Speak My Language. Đây là một diễn đàn để mọi người từ các nguồn gốc sắc tộc khác nhau tại Úc chia sẻ làm thế nào để người khuyết tật tại Úc sống vui và khoẻ mạnh.
Tôi là Lê Tâm và hiện nay đang làm việc tại Ethnic Communities’ Council của tiểu bang NSW.
Trong những bài phỏng vấn của chương trình, chúng tôi mong được tìm hiểu về người khuyết tật có nguồn gốc sắc tộc khác nhau, họ đã sử dụng kỹ năng cá nhân và các nguồn tài nguyên trong cộng đồng như thế nào để sống vui khoẻ dù họ đang sống bất kỳ nơi đâu trên nước Úc.
Speak My Language chia sẻ những câu chuyện có thật, những lời khuyên và ý tưởng của người khuyết tật và những diễn giả, giúp các bạn có được thông tin nhằm tiếp cận các cơ hội dành cho người khuyết tật, các hoạt động dành cho người khuyết tật và những địa chỉ dịch vụ có thể hữu ích cho cuộc sống của người khuyết tật.

Dạ kính thưa quý thính giả đang nghe chương trình Speak My Language. Lê Tâm là một trong những Traveller của chương trình Speak My Language. Lê Tâm đang làm việc tại ECC của New South Wales. Và Lê Tâm là một trong những người nhân viên nói tiếng Việt đã giúp quý vị có những buổi đối thoại với những vị khách mời trong các chương trình trước đây cũng như bây giờ là cô Thi Phương đến từ Sydney. Cô Thi Phương là một người phụ nữ di dân đến Úc, và có thể nói là cuộc đời của cô có rất là nhiều điều mà có thể chia sẻ với quý vị trong chương trình hôm nay. Chúng ta cùng tìm hiểu về cái cách mà một người khuyết tật tại Úc đang có những sự tâm tình nào, và  có những điều gì muốn gửi gắm cho tất cả quý thính giả đồng hương của chúng ta. Dạ con xin chào cô Thi Phương ạ.

Thi:
Dạ, chào Tâm.
Tâm:
Dạ, con xin được gọi cô là Thi được không cô?

Thi:
Dạ được. Dạ cám ơn.

Tâm:
Dạ thưa, ở đây Lê Tâm cũng xin nói thêm là nếu như quý vị nào sống ở ngoài Sydney thì những kinh nghiệm của cô Thi cũng rất hữu ích vì như quý vị biết là cộng đồng người Việt của chúng ta là sống rải rác khắp mọi nơi ở New South Wales hay ở Victoria, và các tiểu bang khác ở nước Úc nữa. Thì quý vị nếu có những chia sẻ nào xin đừng ngần ngại cho Lê Tâm biết, cũng như là có thể giao lưu với cô Thi trên mạng lưới của Speak My Language nha quý vị. 
Dạ thưa cô, Lê Tâm xin chào cô và rất cảm ơn cô đã tham gia với chương trình Speak My Language hôm nay. Và câu hỏi đầu tiên con muốn hỏi cô Thi. Đó là cô ơi, cô đến Úc từ năm bao nhiêu ạ, tức là cô nói khoảng khoảng thời gian là bao nhiêu năm rồi ạ?

Thi:
Thì cũng tới được hơn 30 năm rồi đấy.

Tâm:
Ồ, dạ lâu quá cô ha. Tức là cô đến đây lúc còn trẻ tuổi phải không cô?

Thi:
Dạ đúng rồi. Đi vượt biên đấy.

Tâm:
Dạ. Thưa cô thì cho con hỏi thêm một câu nó cũng hơi riêng tư và tế nhị một chút. Nhưng lúc đó tình trạng của cô đã khuyết tật chưa hay là sau này đến Úc mới gặp ạ?

Thi:
À, đã khuyết tật rồi đấy.

Tâm:
Dạ, và lúc đó, cái ngày mà cô đặt chân đến Úc thì cô có nhớ cảm xúc của cô lúc đó thế nào không ạ?

Thi:
Ôi, rất là lạnh và lạc lõng đấy.

Tâm:
Dạ, và lúc đó là cô ở ngay Sydney luôn hả cô?

Thi:
À không, ở dưới Melbourne đấy.

Tâm:
À dạ, thì những ngày tháng trôi qua thì Lê Tâm cũng sẽ không nhắc lại ha cô. Ở đây mình sẽ không nhắc lại những ngày tháng đã qua nhiều. Là con chỉ muốn hỏi cô một chút về bản thân cô để cho quý thính giả có thể làm quen với cô trước. Còn bây giờ thì con xin hỏi về một ngày bình thường mà ngay lúc này đó cô. Tức là trong thời điểm hiện tại bây giờ thì cô có thể cho quý thính giả đồng hương ở đây nghe là một ngày bình thường của cô thì nó có những chuyện gì không ạ?

Thi:
Một ngày thì sáng sớm dậy thì đi mở những cái Zoom, cái gì rồi

Tâm:
À, mở những cái cuộc họp phải không cô?

Thi:
À, đúng rồi, mở những cuộc họp, những Cà phê tâm tình trong các nhóm đấy, xong rồi vô mình sinh hoạt.

Tâm:
Bây giờ mình không nói đến thời gian Covid là mình phải chuyển hết mọi sinh hoạt online đó cô. Thì nếu mà cô nghĩ trong những ngày không có Covid, cái lúc mà không có đại dịch đó thì trong một tuần cô đi sinh hoạt một tuần bao nhiêu lần ạ?

Thi:
Thì 3 hay 4 lần cũng sinh hoạt ở trong nhóm Cà phê tâm tình đấy hay là đi ra ngoài. Chỉ vậy thôi.

Tâm:
Dạ. Như vậy một ngày của cô là cô có những cái nhóm mà cô có thể giao lưu, gặp gỡ với mọi người phải hông cô?

Thi:
Gần đúng rồi đấy.

Tâm:
Dạ. Thì con xin hỏi cô riêng vào phía những địa điểm của cộng đồng người Việt Nam mình đó. Thì cô thích đi đến những nơi nào của cộng đồng người Việt mình nhất ạ?

Thi:
Thì thường ở Cabramatta hay Bankstown. Thì những người Việt ở nơi đấy nó có nhiều thực phẩm Á châu. Mình hay đi tới đấy.

Tâm:
Dạ, cô cũng đến để mà mua sắm ở đó phải hông cô?

Thi:
Dạ đúng rồi.

Tâm:
Thưa cô, cho con hỏi thêm một ý nữa. Đó là khi mình đi vào một cái nơi như là chợ của người Việt mình ở Cabramatta hay là ở Bankstown để mà cô mua sắm đó thì cô đi đến đó bằng phương tiện gì hả cô?

Thi:
Mình lái xe tới nơi đấy.

Tâm:
Dạ như vậy là khi cô lái xe đến thì cô có cần sự trợ giúp nào để mà có thể đi vào các cửa hàng để mà mua sắm, hay để mà ăn uống hay là gì hông cô?

Thi:
Thì mình chống nạng mình đi vào những cái nơi bán hàng hay lên những cái cầu thang ngắn ngắn thôi thì mình vô được. Nhưng mà về sau mình lại không đi được, mình phải lăn chiếc xe lăn vô để cho nó đỡ vất vả hơn đấy.

Tâm:
Vậy thì những địa điểm công cộng đó thì cô cảm thấy có sự trở ngại nào không cô?

Thi:
Thì đúng là trở ngại vì có những chỗ mà nó rất là nhỏ thì cái xe của mình nó không thể vào được. Thì đấy là cái trở ngại.

Tâm:
Dạ. Mà thường là cô đi chợ phải hông cô hay là cô đi vào nhà hàng ăn uống ạ?

Thi:
Đi chợ hoặc là đi nhà hàng ăn uống thì có những người giúp đỡ mình đấy. Đi xách đồ hay là mua cái này cái kia cho mình cho nó nhanh đấy. Với lại xe của mình chạy tới cái nơi đấy thì nhiều khi phải chạy tới mấy vòng là người khuyết tật nó chỉ có một vài chỗ đậu xe thôi chứ nó không có nhiều, nên nhiều khi mình tới thì rất là khó.

Tâm:
Dạ. Cô có thể kể lại một cái kỷ niệm hay là một cái ví dụ nào đó mà lúc cô lái xe đến những khu chợ người Việt mà cô rất là cảm thấy khó đậu xe hông? Cô có thể kể lại cái cảm xúc một chút nữa được không cô?

Thi:
Thì rất là buồn là bởi vì khi mình tới bao nhiêu là xe nhưng mà mình thì chậm chân hơn. Thí dụ như mình đang đậu cái chỗ đó nhưng mà một chiếc xe khác nó chạy tới nó nhanh hơn thì nó có thể nó vào nó đậu nhanh được. Thì đó là cái chỗ bình thường, còn cái chỗ của người khuyết tật thì lại hết. Và đôi khi mình cũng thấy rằng có những người bình thường khi mà người ta xuống xe thì người ta bình thường thôi mà sao người ta cũng đậu được chỗ đấy. Nên mình phải chờ cả một tiếng đồng hồ đó, có khi hơn nữa đấy. Thì đó là cái vất vả. Thì đó rất là vất vả, nhất là lại gặp cái trời mùa hè nữa, nóng ơi là nóng.

Tâm:
Đúng rồi đó cô. Mà ở trong xe phải ngồi đợi lâu vậy, mà lúc đó mình không thể nào đi xa được đúng không cô, tại vì mình muốn vào trong cái chợ Việt đó phải hông ạ?

Thi:
Thì đúng rồi. Nên đó là cần phải có những người đi chạy vô mua giùm cho hay là mình nhờ ai đấy để người ta chạy vô. Còn nếu mà mình đi vô thì phải chờ rất là lâu.

Tâm:
Dạ. Vậy hồi nãy cô có nói với Lê Tâm đó là cô có những người mà giúp cô đó, để mà đi chợ với cô hay là giúp cô khi mà muốn mua một món ăn Việt Nam nào đó. Thì thưa cô thì đó là thuộc một hội đoàn, một nhóm sinh hoạt hay là một người bạn nào đó thưa cô?

Thi:
Có của home care đấy, những người home care người ta tới người ta làm việc cho mình đấy.

Tâm:
Dạ. Nhưng mà họ làm việc như vậy thì mình cũng đi ra ngoài với họ có giới hạn thôi chứ hông phải là mình tự đi được nhiều đúng hông cô?

Thi:
À, đúng vào cái giờ của họ làm cho mình thì nó có giới hạn nhưng nếu mà mình đi một mình mình thì mình cũng đi được. Nhưng mà đi được thì mình mua những đồ nào mà có thể xe của mình nó tới gần như là McDonald mình có thể đi ngang qua. Hoặc là một cái shop nào đó mà mình muốn mua thì mình coi cái số điện thoại của họ. Thì đấy là cái mà minh biết cách gọi điện thoại và nói với họ là bây giờ tôi muốn mua cái này, ông hay bà có thể mang ra cho tôi là bởi vì tôi trở ngại không thể đi vô được. Thì có những người, người ta cũng mang ra cho mình. Thì đấy là cái mình tự đi ra ngoài được.

Tâm:
Dạ. Nhưng mà cho con hỏi thêm là lúc mà cô gọi điện thoại đến cửa hàng trước thì người ta có yêu cầu mình phải đỗ xe ở gần cái shop của người ta hông, hay là họ có thể đi xa để họ đem đến cho mình ạ?

Thi:
À như vầy, thí dụ mình đi ngang qua một cái shop đó mà mình không có chỗ đậu xe, hoặc là có một cái chỗ nào thiệt là nhỏ để mà ghé vô một tí thôi thì mình nhìn cái shop trước mặt, thì mình nhìn thấy cái số điện thoại đó mà thường của người Việt thôi thì mình gọi điện thoại. Cái mình nói thì người ta nói là ôi trong này có một mình tôi thôi thì chị có thể chờ một chút. Nói là tôi đậu ngay thẳng đây một chút, nói là tôi cầm 20 nè thì người ta biết ngay là mình mua những thứ gì rồi mình có cái 20, thì người ta mang ra mà người ta thối tiền luôn cho mình. Thì có nghĩa là hai người đã nói chuyện với nhau là biết nó như vậy nên người ta mang thẳng ra luôn.

Tâm:
Dạ. Cũng hay quá cô. Kinh nghiệm đi chợ của cô cũng rất là hữu ích cho những quý vị khác mà mình có. Nhưng mà cô biết sao hôn, phải là mình đến những khu chợ gần gũi với mình như vậy, đồng hương với nhau đó, rồi có thấy cái biển số, rồi có thấy cái biển mà quảng cáo tên cửa hàng và số điện thoại thì mình gọi. Còn nếu như trong trường hợp cô đến một khu chợ khác xa lạ hơn thì cô có dám làm việc đó hông cô?

Thi:
À, tùy theo. Nếu mà tôi tới ngay chỗ đó mà tôi nhìn thấy, mà tôi nhìn thấy người ta trong đó và tôi nhìn thấy cái số điện thoại thì tôi cũng có thể nói. Nếu người ta làm được thì làm, không nhưng mà đi đổ xăng cũng vậy nhá. Một mình tôi đi tôi tới đổ xăng, thì dĩ nhiên ai cũng phải tự mình làm. Nhưng mà tôi nhìn thấy cái anh tính tiền đó, xong cái tôi bấm còi, tôi nói là tôi không đi được thì tự nhiên ảnh chạy ra. Thì ảnh nói ồ cô làm sao vậy? Tôi nói là tôi không đi vô được, anh có thể đổ xăng? Thì anh nói OK vậy là được, anh rất là giúp đỡ, làm liền cho mình đấy.

Tâm:
Dạ. Nếu như vậy thì con cảm thấy là cái cuộc sống của cô cũng rất là độc lập và rất là vui vẻ đúng hông cô? Mình cũng không phải là khó khăn lắm trong việc là mình đi những nhu cầu thiết yếu như là đi chợ, đi mua một món ăn mình yêu thích, hay là đi đổ xăng. Nhưng mà cô có khuyến nghị gì hiện nay khi mà những nơi địa điểm địa phương mà cô đến như vậy đó, thì cô có một cái khuyến nghị gì hay là có một ý tưởng gì để giúp cho những nơi đó có thể an toàn hơn cho những người khuyết tật không ạ?

Thi:
Là như vầy. À, tôi sinh hoạt trong một cái nhóm của DDA đó, là Hiệp hội của người khuyết tật đa dạng. Thì cái Hiệp hội này nó hỗ trợ cho người khuyết tật rất là nhiều. Và nhờ trong này mình học hỏi được, mình được đào tạo ở trong này nên mình có những kiến thức, và mình có những cái suy nghĩ và mình làm nó ra. Nên khi mà tôi kể cho cô nghe đó là tại sao tôi làm được như vậy, tôi nhờ vào trong này. Thì đây là cái tôi cũng muốn cho những người khuyết tật ở trong cộng đồng hoặc những người khuyết tật về thể chất hay là về bất cứ một cái gì đa dạng về khuyết tật. Họ cũng có thể tham gia và họ cũng có những ý tưởng giống như vậy. Thì đấy là cái mà tôi muốn truyền tải đến những người khuyết tật , có thể tự mình sống độc lập và làm những cái việc đấy.

Tâm:
Dạ. Vậy thưa cô, khi mà cô tham gia những sinh hoạt của cái nhóm mà cô tham gia là DDA đó thì cô thấy là cái sự hữu ích, tăng tiến hơn cho cuộc sống của cô hay không?

Thi:
Thì như vừa nói với cô Tâm đấy, mình vừa nói đấy, là nhờ mình biết được cái tổ chức DDA của người khuyết tật điều hành. Thì đây là những cái mà người khuyết tật người ta hỗ trợ cho người khuyết tật, người ta mở những cái khóa mà người ta có một cái sân chơi của người khuyết tật. Ý mình nói sân chơi là cái gì. Là khi mà vô trong cái nhóm DDA này, mình mới thấy là trong này nó rất đa dạng. Nó có rất nhiều thông tin và có những khóa học để đào tạo cho người khuyết tật được tự tin, được trau dồi kiến thức, và tự mình sống độc lập, tự mình làm được những việc mình muốn.

Tâm:
Dạ. Vậy thì cái mặt lớn nhất mà nhóm sinh hoạt này đã mang đến cho cuộc sống của cô là gì ạ? Cô có thể cho một vài ví dụ, giống như là mình có thể làm được những việc mà trước giờ mình không nghĩ là mình làm được đó cô.

Thi:
Đúng như vậy. Khi mình tham gia vào trong đây thì mình được đào tạo là một người điều hành viên, rồi một người trong Vòng tròn. Tâm có nghe là Vòng tròn hỗ trợ cho người khuyết tật. Trong này là có một nhóm đội ngũ rất là chuyên nghiệp. Họ là những người mà có kiến thức chuyên môn để đào tạo, giúp đỡ, hỗ trợ cho người khuyết tật. Người khuyết tật được làm những cái công việc mà họ muốn và có những ước mơ. Thí dụ như họ muốn đi overseas hay là muốn làm một cái công việc rất là khó, một mình người khuyết tật thì không làm được. Nhưng đây là những đội ngũ chuyên môn, gọi là chuyên nghiệp cố vấn giúp cho người khuyết tật để mà đạt được những điều đấy. Thì người ta mới mở ra những cái vòng nối kết như vậy để nối kết người khuyết tật vào, và để cho họ được sống một cách tự tin, một mình có thể làm những cái điều mình làm.

Tâm:
Dạ. Hay quá cô ha. Vậy cho con hỏi thêm đó là bí quyết của cô lúc đầu làm sao mà cô có thể tìm được một nhóm sinh hoạt hay như vậy? Làm sao cô tìm đến mà cô tham gia ạ?

Thi:
Thì nó như vầy. Cũng tình cờ thôi, mình biết những người bạn có con khuyết tật thì chị đó giới thiệu mình đến trung tâm sinh hoạt của người khuyết tật này. Cái DDA này là của người khuyết tật. Thì khi mình vô một cái, mình cũng hơi ngỡ ngàng. Bắt đầu mình sinh hoạt vài lần thì mình mới thấy họ với mình  đều là những người đồng cảnh ngộ, thông cảm hiểu nhau. Và rồi mình sinh hoạt trong đấy, mình mới thấy là càng ngày mình tự tin và tự nhiên càng ngày mình làm cái điều mình không thể nghĩ tới. Thì họ truyền cho mình những cái năng lượng tích cực, rồi mình vô trong này, mình làm quen với các bạn trong này. Họ có cái sự đồng cảm, họ có cái sự tôn trọng nhau, họ có cái sự lắng nghe. Rồi khi mà mình càng học trong này thì mình càng được đào luyện các lớp khác nhau. Và khi mình được đào tạo một cái khóa Circles Widen  là vòng nối kết hỗ trợ để giúp cho người khuyết tật. Thì khi mà mình học cái này thì mình mới biết rằnng là các anh chị em, một đội ngũ cố vấn tuyệt vời. Thì họ mới truyền tải cho mình để mà mình kết nối với những người khuyết tật mà hiện ở bên ngoài. Người ta chưa biết được cái mạng lưới này, chưa biết được cái tổ chức này. Thì đấy là khi mình mới mang vô và kể cho họ nghe là nên đến những nơi này tìm và sinh hoạt ở nơi này. Mình mới thấy là có rất nhiều cái bổ ích cho mình.

Tâm:
Dạ. Còn ngoài ra thì cô có những sinh hoạt khác không cô, hay là cô chỉ tham gia với nhóm này thôi ạ?

Thi:
Thì trong một ngày cô có thể. Cô nói ngay là cái mạng lưới của DDA này, ở bên trong nó có rất nhiều thông tin. Và khi mà mình vô cái thông tin ở trong này, mình mới đi ra ngoài được những cái thông tin khác. Là bởi vì thông tin này nó rất an toàn. Người khuyết tật không có sợ là đi vô trong này là mình đi sai những cái con đường. Tự nhiên đi tới đâu là mình bị lừa dối, hay đi tới đâu mình bị lừa gạt. Không, vì đây là người khuyết tật nên khi mà mình đi vô trong cái website này, mình mới bắt đầu mở ra, thì đây là một cái sân chơi rất là rộng. Mình càng vô thì mình mới thấy là có nhiều cái website thì khi đó mình mới ra một website khác, thì mình liên lạc được những cái sân chơi khác. Như bên Minda đấy, rồi xong mình vô trong Minda cũng là một cái sân chơi của người khuyết tật. Thì đấy là cái mà mình muốn truyền tải đến cho những người ở trong cộng đồng người khuyết tật, hay những người có con khuyết tật. Vào những website này và mở ra và thấy rất nhiều điều hữu ích ở trong này. Nếu khi mình kể ra thì nó không hết nhưng mà vào thì mới biết. Và nhất là cái mà mình đang nói về cái Circles Widen và vì đây là mình là người đang làm việc ở trong này. Và mình được cố vấn, mình cũng học được cái ngành cố vấn trong này. Thì khi mà những người khuyết tật mà được hỗ trợ, được mở ra một cái vòng tròn mà người khuyết tật là chính và chung quanh người khuyết tật là gia đình, anh em hay là họ hàng hay là bạn thân. Thì tương lai người khuyết tật sẽ thấy tự tin, độc lập sống nếu mà một ngày nào đó mà bố mẹ, gia đình, người thân mà có một cái sự cố gì đấy. Thì người khuyết tật sẽ không bị lẻ loi, sẽ không bị cô độc và có một nơi để người khuyết tật đến để mà chia sẻ, để mà tìm hiểu, để mà gọi là, mình không phải sợ bị, giống như là một mình sống một mình mà không có ai hết.

Tâm:
Và thưa cô thì, cho con hỏi thêm là một cái nhóm người Việt nào riêng biệt mà cô tham gia ngoài những cái nhóm này hông cô?

Thi:
Chắc là mình nói chưa rõ và chưa hết. Trong cái nhóm của người Việt thì có một nhóm những bà mẹ có con khuyết tật, cũng là một nhóm cũng sinh hoạt trong DDA này. Nên mình mới nói là trong DDA này nó có rất nhiều nhóm. Thì mình cũng sinh hoạt ở trong nhóm các bà mẹ có con khuyết tật, sinh hoạt ở trong nhóm đa văn hóa là có nhiều sắc tộc, rồi sinh hoạt ở trong nhóm giới trẻ, rồi sinh hoạt ở trong nhóm người phụ nữ. Có nghĩa là mình nói là trong cái tổ chức người khuyết tật đa dạng này nó có rất nhiều nhóm.

Tâm:
Dạ. Và trong đó có cả nhóm người Việt và cả các nhóm đa sắc tộc khác nữa đúng hông cô?

Thi:
Đó. Rồi có cả những nhóm mà riêng biệt của nhóm người ta như Khmer, người Korean, rồi người China. Có nghĩa là có rất nhiều nhóm ở trong này nên nãy mình nói là mở một website này ra, nó là một cái sân chơi rất là rộng mà nó lan luôn cả xuống dưới Melbourne, nó lan luôn cả bên Wollongong. Thì đây là một sân chơi có nhiều sân chơi nhỏ.

Tâm:
Dạ. Cũng hay quá ha cô. Mà khi cô vào trong nhóm này thì cho Lê Tâm hỏi cô có nhớ là khoảng bao lâu rồi hông?

Thi:
Thì mình mới sinh hoạt được gần 2 năm. 

Tâm:
Và lúc đó là cô được giới thiệu từ một người bạn có người con khuyết tật đã biết đến nhóm. Và sau đó giới thiệu cô vào phải hông cô?

Thi:
Vâng, đúng như vậy. Nhưng mà có cái rằng là khi mình vào trong cái nhóm sinh hoạt này thì mình lại thấy rất ít người Việt sinh hoạt cùng với nhóm người đa văn hóa sắc tộc.

Tâm:
Vậy sao cô?

Thi:
Rất là ít. Là bởi vì người khuyết tật nếu mà ở bên ngoài cũng có rất nhiều người bị khuyết tật và có con khuyết tật, hoặc là những người sống một mình bị khuyết tật đấy. Thì là rất ít sinh hoạt vào trong nhóm này. Chỉ có mỗi trong một group là những bà mẹ có con khuyết tật chia sẻ cho nhau những cái kỹ năng, những cái kinh nghiệm thì đến để chia sẻ. Còn những cái group khác thì như là thanh niên, giới trẻ, rồi đa văn hóa thì lại không thấy có người Việt. Nên đó là một cái mà bị thiệt thòi cho những người khuyết tật về sắc tộc như người Việt của mình.

Tâm:
Dạ, thưa cô. Cô có ý tưởng là tại sao như vậy hông cô? Có thể nào là do cái ngôn ngữ hông ạ?

Thi:
Đúng. Đó là một rào cản ngôn ngữ một phần. Một phần nữa rằng là người Á châu nói chung rất là khép kín. Nên đó là cái thông điệp của mình gửi đến cho mọi người là chúng ta có con khuyết tật, có con ở vào bất cứ dạng nào đó, mình nên sinh hoạt cho con, sinh hoạt vào một cái nơi mà người khuyết tật cũng đồng cảnh ngộ với mình thì mình mới mở lòng ra được, mình mới vui vẻ mình sinh hoạt và càng ngày mình mới sống, mình mới đi vào một cái cộng đồng lớn. Thì lúc đó mình mới tự tin mình làm được cái điều gì mình không thể ngờ được. Như cô bây giờ thực sự là như vậy đấy.

Tâm:
Dạ. Vậy thì trong lúc mà cô tham gia vào những nhóm sinh hoạt khác nhau và rất là đa dạng và rất là đa sắc tộc với nhiều nội dung phong phú như vậy thì cô có một người bạn nào, hay cô có những người bạn nào mới mà cô cảm thấy gắn bó với cô nhiều cho đến bây giờ hông?

Thi:
Thì có, có rất nhiều, thì các chị có những chị giới thiệu mình vô đấy, rồi có những chị mà con khuyết tật ở trong đấy thì rất là gắn bó. Mỗi tháng chúng ta hay sinh hoạt với nhau, chia sẻ và đó là một cái căn nhà. Còn một cái sân chơi rộng thì là những căn nhà khác mình lại vô mình sinh hoạt. Thì đấy là mình có rất nhiều người bạn, có các chị rất là dễ thương, rồi cho những con em bị khuyết tật vào trong sinh hoạt nhóm của sắc tộc nhiều sắc tộc. Rồi có những đứa trẻ nó tự tin, nó có thể lắng nghe người ta hỏi những câu hỏi nó có thể trả lời. Thì đấy là những cái rất tuyệt vời. Mình còn sinh hoạt cả, những người khuyết tật còn có một cái nhóm cứ cuối tháng đi coi phim với nhau.

Tâm:
Vui quá ha cô.

Thi:
Cứ vào thứ tư thì lại có một cái nhóm là mình ăn chung với nhau. Thì hiện bị dịch thì có cái Zoom, có cái Cà phê tâm tình, mình mở ra xong rồi mình ăn uống, mình chia sẻ. Đấy là một cái rất đặc biệt cho những người khuyết tật.

Tâm:
Dạ, vậy cô cảm thấy là như một ngày trôi qua của cô cũng đâu có buồn chán đâu cô ha. Tức là có rất nhiều hoạt động trên Zoom, rồi trên bạn bè của mình nữa, rồi gọi điện thoại, rồi có thể có những Cà phê tâm tình như vậy hả cô?

Thi:
Đúng là vậy. Nên ngày hôm nay mình cũng rất là cám ơn cô Tâm. Nên mình nói rằng là cái Vòng tròn hỗ trợ của người khuyết tật là một cái mà có một cái đội ngũ cố vấn rất là chuyên môn, cố vấn cho những người khuyết tật để giúp cho họ có một kỹ năng, có một cuộc sống tốt trong tương lai. Như hôm nãy mình nói đấy, nếu một người con  khuyết tật mà ở với bố mẹ nhưng bố mẹ chăm sóc, cũng lo cho con cái bình thường như vậy nhưng không giúp cho con cái có tự tin thì một ngày nào đó cuộc sống này, bố mẹ, gia đình, người thân mà có bị một cái gì đấy sự cố thì người khuyết tật đó sẽ bơ vơ. Thì đây là một cái sân chơi, một cái sân chơi rất rộng và có nhiều cái sân nhỏ. Thì đây mình đang nói cái cân chơi rộng là của DDA – Hiệp hội cho những người khuyết tật đa dạng. Đó là một cái sân chơi rộng. Thì khi mình vô trong đó thì có những sân chơi nhỏ như là Cà phê tâm tình là một cái sân chơi nhỏ. Thì nó làm cho người khuyết tật tự tin, có một chút người trong đấy. Người khuyết tật có thể nói chuyện, có thể chia sẻ nhưng được bảo mật, được an toàn. Nên thông điệp của mình gửi cho tất cả mọi người có con khuyết tật của người Việt, chúng ta hãy đến một cái nhóm, sân chơi này là DDA. Mình sẽ cho một cái website để mở ra và mọi người sẽ vào đấy và tìm ra. Nó có rất nhiều cái chi tiết ở trong này chứ không phải là. Nếu mình không biết vào Zoom, người ta sẽ chỉ cho mình. Mình không biết cách nói chuyện trước mọi người thì người ta cũng chỉ cho mình để mình điều hành trong một nhóm nhỏ trước. Rồi từ từ mình có tự tin mình bước lên và mình sẽ nói chuyện với người ta một cách tốt hơn, một cách để cho người khuyết tật hỗ trợ người khuyết tật. Bởi vì cái tiếng nói của người khuyết tật nó rất còn yếu. Nó không, nó chưa được lắng nghe, mà nó cũng không được tôn trọng. Thì đây là một cái mà mình phải cổ võ, mình phải gọi là mang ra để cho mọi người biết là người khuyết tật cũng là con người, người ta cũng cần có một tiếng nói, người ta cũng cần được tôn trọng.

Tâm:
Dạ. Cảm ơn cô rất là nhiều thưa cô Thi. Thì hôm nay cô đã có buổi tâm tình đúng nghĩa với quý đồng hương Việt Nam lắng nghe chương trình của Speak My Language Tiếng Việt.

Thi:
Cho mình nói một chút nhá. Khi mình nói chuyện như vậy nhưng mà quên một cái là mình phải cho cô Lê Tâm biết là cái website nó có rất đầy đủ. Dạ đây. Thì đó là www.ddalliance.org.au. Và khi mình mở vô như vậy thì mình sẽ nhìn thấy hoàn toàn những người khuyết tật điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ cho nhau. Và trong này, khi mà mở ra thì sẽ thấy có cái Circles Widen. Và khi mở ra Circles Widen ở trong này thì sẽ thấy mọi người, sẽ thấy một đội ngũ ở trong này hoàn toàn người khuyết tật.

Tâm:
Dạ thưa cô, nếu như mà quý đồng hương ở đây đang nghe chương trình đó mà muốn tìm hiểu rõ hơn về tổ chức nơi mà cô đang sinh hoạt, cũng như là muốn liên lạc với cô để hỏi về cái tổ chức này hoặc là cách liên lạc hoặc người giới thiệu thì cô có vui lòng để thông qua Speak My Language để tụi con giới thiệu đến cô được không ạ?

Thi:
Ô, tuyệt vời. Cái này rất là tuyệt vời. Mình cũng muốn là để giới thiệu ra ngoài cộng đồng, để cho mọi người biết rằng đây là một Hiệp hội hỗ trợ người khuyết tật DDA, do người khuyết tật điều hành.

Tâm:
Dạ, đúng rồi. Dạ. Và thưa quý vị đồng hương ha, nếu như quý vị muốn tìm hiểu thêm về tổ chức này cũng như là muốn liên lạc để hỏi thêm hoặc là để được giới thiệu với cô Thi thì có thể liên lạc qua Speak My Language. Thì khi quý vị vào website của Speak My Language thì sẽ thấy có thông tin về buổi nói chuyện hôm nay. Và từ đó quý vị có thể liên lạc đến cô Thi. Cô Thi sẵn sàng giúp đỡ quý đồng hương Việt Nam để mà có thể có một cuộc sống rất là hữu ích và vui vẻ với những điều kiện khuyết tật nhưng mà rất rất là vui vẻ và tự tin, độc lập ạ. Dạ xin cảm ơn cô.

Thi:
Cám ơn cô Tâm nhiều lắm. Và cám ơn mọi người đã lắng nghe.

Tâm:
Dạ. Cảm ơn cô Thi rất là nhiều vì buổi nói chuyên hôm nay. Thì thưa cô, đến đây thì Lê Tâm cũng xin khép lại buổi trò chuyện với cô. Một câu chuyện rất là hay đó cô. Và thưa cô, cái điều mà Lê Tâm cảm thấy rất là học hỏi và rất là khâm phục về ý chí của những quý vị khuyết tật đồng hương, mà nhất là người Việt mình mà đến một cái nơi hoàn toàn xa lạ với một tình trạng khuyết tật nhưng mà mình tìm đến con đường tự do được, và mình lại có một cuộc sống độc lập như vậy, không có dựa dẫm vào ai. Thì con rất là khâm phục những người ý chí như vậy. Và thông qua câu chuyện này thì con càng hiểu thêm về cuộc sống của những cô chú đã đến Úc từ rất là lâu nay và đã tìm mọi cách để mà gia nhập vào xã hội mặc dù với cái tình trạng như vậy. Thật là tuyệt vời đó cô. Dạ, con xin cảm ơn cô Thi một lần nữa ạ.

Thi
Dạ, cám ơn cô Tâm nhiều lắm. Cám ơn mọi người.

Tâm:
Nếu bạn muốn nghe những bài phỏng vấn này, xin hãy vào trang mạng speakmylanguage.com.au. Bạn sẽ tìm hiểu thật nhiều thông tin hữu ích. Và xin bạn hãy kể cho người mình quen biết về chương trình Speak My Language nữa nha.
Và bạn cũng có thể tìm thấy Speak My Language trên Facebook, Twitter, Instagram, hoặc LinkedIn. Và xin giúp chúng tôi tiếp nối cuộc đối thoại này trên khắp nước Úc và thậm chí lan xa bên ngoài biên giới của Úc nữa!
Ethnic Communities’ Council tự hào là người sản xuất chương trình Speak My Language tại New South Wales. 
Chương trình Speak My Language được tài trợ bởi Department of Social Services và phát thanh khắp nước Úc thông qua sự hợp tác của Ethnic and Communities’ Councils tại mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ. Đối tác truyền hình quốc gia của chúng tôi là đài SBS và đài NEMBC.

Interview by
Le Tam Tu

Tâm đã đưa kinh nghiệm của cô trong thực hành truyền thông, bao gồm phát thanh podcast, thu âm các cuộc phỏng vấn và các đọan radio, vào chương trình Speak My Language (Nói Ngôn Ngữ Của Tôi). Sự... Go to page where you can read more about Le Tam Tu