Người khiếm thị có thể vẽ tranh hay không? Khách mời của ngày hôm nay sẽ chia sẻ hành trình anh tiếp cận nghệ thuật bằng cảm nhận và tâm hồn. Hội họa đã giúp anh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, và anh lại đem đấu giá những bức tranh của mình để gây quỹ giúp những người đồng cảnh ngộ. Hy vọng câu chuyện của anh sẽ truyền cảm hứng cho những ai còn ngần ngại theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Câu chuyện này đề cập đến bệnh trầm cảm. Nếu quý vị cần trợ giúp tức thời về sức khỏe tâm thần của mình, hãy gọi cho Lifeline theo số 13 11 14. Để gọi cho Lifeline với thông ngôn viên, hãy gọi cho TIS National theo số 131 450, nói mình cần tiếng Việt và yêu cầu được kết nối với Lifeline theo số 13 11 14 .
About the storyteller
About the storyteller
The storyteller has chosen to use a pretend name.
Lý đặt chân đến miền Tây Úc vào đầu những năm 1980 khi còn ở độ tuổi thiếu niên. Sau khi mắc bệnh tăng nhãn áp, một bệnh lý về mắt khó chữa, anh phải điều chỉnh cuộc sống của mình do mất dần thị lực. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, một bác sĩ tuyệt vời, một nhà tâm lý học, 3 nhân viên xã hội và một nhà trị liệu nghệ thuật tuyệt vời, anh đã trở thành con người như ngày hôm nay - một người với cách nhìn mới và quan điểm độc đáo về cuộc sống.
*Khách mời đã lựa chọn dùng bí danh.
Phiên âm có sẵn
Hà:
Chào mừng quý vị đến với chương trình Speak My Language. Đây là một diễn đàn để mọi người từ các sắc tộc khác nhau chia sẻ cách làm thế nào để người khuyết tật tại Úc sống vui và khoẻ mạnh.
Tôi tên là Hà, hiện đang làm việc tại Ethnic Communities’ Council của tiểu bang NSW.
Trong những bài phỏng vấn của chương trình, chúng tôi tìm hiểu về những người khuyết tật từ các sắc tộc khác nhau, cách họ sử dụng kỹ năng cá nhân và những dịch vụ hỗ trợ cộng đồng để sống vui khoẻ dù ở bất kỳ nơi đâu trên nước Úc.
Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện có thật, những lời khuyên và ý tưởng của những người khuyết tật và diễn giả giúp quý vị tiếp cận thông tin về các cơ hội, hoạt động và những địa chỉ có thể hữu ích cho cuộc sống của người khuyết tật.
Khách mời của chúng ta hôm nay là anh Lý đến từ Tây Úc. Khi anh vừa tốt nghiệp đại học với bao hoài bão về tương lai thì biến cố ập đến. Anh mắc bệnh glaucoma hay còn gọi là chứng tăng nhãn áp và sau đó phải từ bỏ công việc chuyên môn do mất dần thị lực. Sau 3 năm sống trong trầm cảm, cuối cùng anh đã có thể thoát ra và tìm được niềm vui trong hội họa.
Xin chào anh và cảm ơn anh rất nhiều đã tham gia vào buổi trò chuyện ngày hôm nay.
Lý:
Xin chào em Hà.
Hà:
Trước hết anh có thể cho thính giả được biết anh bắt đầu vẽ tranh từ khi nào không ạ?
Lý:
Tôi nhớ là từ khi còn rất nhỏ, tôi đã thích tất cả các loại hình nghệ thuật. Nếu tôi nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật và nó thu hút trí tưởng tượng của tôi, đủ lâu để tôi tự hỏi mình, liệu tôi có thể giỏi như vậy không? Dù yêu nghệ thuật nhưng tôi yêu khoa học hơn. Tôi say mê hóa học, vì vậy tôi đã trở thành một nhà hoá học. Tôi nghĩ mình có cái đầu của một nhà hoá học và một trái tim của một nghệ sĩ. Trong sự phân đôi này, cái đầu hầu như luôn hoạt động trước, đầu tiên, trong khi trái tim thì hay trì hoãn. Vì vậy tôi chỉ bắt đầu bức tranh đầu tiên của mình vào năm ngoái dưới sự hướng dẫn của một nhà trị liệu nghệ thuật tuyệt vời tại VisAbility. Tôi nghĩ cô ấy đã khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật của tôi, và cô ấy khiến tôi tin tưởng vào bản thân mình hơn. Sau đó, tôi đã vẽ bức tranh thứ hai của mình và bán đấu giá để quyên góp tiền cho từ thiện.
Hà:
Vậy sau khi anh bị mất thị lực thì việc vẽ tranh của anh có thay đổi không?
Lý:
Có chứ. Bây giờ tôi sẽ vẽ với cảm giác khẩn trương hơn lúc trước. Trước khi tôi bị mù, tôi đã từng đợi thời điểm thích hợp để có về một trạng thái tốt nhất. Điều đó không hiệu quả với tôi vì không bao giờ có thể tìm thấy khoảnh khắc khó nắm bắt được nó, để vẽ một bức tranh. Bây giờ tôi nhận ra rằng thời điểm đó không có tìm được. Thời điểm đó phải tự mình tạo ra chứ mình không chờ đợi cho nó tới mình được.
Hà:
Như vậy, nghệ thuật đã giúp anh nâng cao cuộc sống và giúp anh sống tốt đẹp hơn như thế nào?
Lý:
Theo cách tôi thấy, cuộc sống chỉ thực như hơi thở mà mình hít thở để sống thôi. Phần còn lại là ảo ảnh mình tạo ra để lấp đầy cái mà tất cả chúng mình gọi là sống đó. Có nghĩa là thực tế là một ảo ảnh. Một khi chúng ta nhận thức được triết lý này, chúng ta sẽ có thể áp dụng bất kỳ hình thức nghệ thuật nào để nâng cao cuộc sống của chính mình hoặc một cuộc sống tốt đẹp.
Hà:
Em cũng rất đồng ý với ý này của anh. Như vậy, sau khi bị mất thị lực, anh làm thế nào để tìm thấy những sự hỗ trợ để giúp duy trì hoặc phát triển các kỹ năng nghệ thuật của mình?
Lý:
Bác sĩ phẫu thuật mắt của tôi đã giới thiệu tôi đến VisAbility, nơi từng được gọi là WA Association for the Blind. Ban đầu, tôi từ chối tham gia vì tôi không muốn chấp nhận sự thật rằng tôi đã bị mù, và tôi vẫn đau buồn vì điều đó. Thậm chí phải mất vài năm tôi mới dám mạo hiểm ra ngoài nhà của mình. Một người bạn tôi gặp ở VisAbility đã nói cho tôi rằng có một lớp nghệ thuật dành cho những người khiếm thị tại VisAbility Activity Centre. Nên khi mà tôi nghe thì tôi mau chóng tham gia liền. Mọi người tôi gặp ở đó đều là nguồn cảm hứng cho tôi. Tất cả chúng tôi đều phải vật lộn để làm ngay cả những điều đơn giản, nhưng chúng tôi đều hạnh phúc khi làm được điều đó. Và tôi đã thay đổi tư duy và quan niệm sống của mình. Tôi nghĩ rằng kỹ năng nghệ thuật của mình đã được cải thiện rất nhiều kể từ đó.
Hà:
Em nghĩ rằng có rất nhiều thính giả có thể đang tìm kiếm sự hỗ trợ tương tự như vậy. Anh có thể chia sẻ hành trình của mình với những thính giả này không?
Lý:
Tôi được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhãn áp ngay sau khi tôi hoàn thành bằng cử nhân hóa và sẵn sàng đang đi tìm việc. Vào thời điểm đó thị lực ở một con mắt gần như không còn và con mắt còn lại cũng bắt đầu tệ hơn. Nên có thể tưởng tượng được tôi đã suy sụp như thế nào khi nghĩ về tương lai. Tôi không tìm kiếm sự hỗ trợ bởi vì tôi không biết có một thứ như vậy tồn tại.
Hà:
Em nghĩ tâm lý này của anh cũng rất dễ hiểu đối với một người đang trong giai đoạn trầm cảm. Em còn được biết rằng anh đã quyên góp các bức tranh của mình cho VisAbility Activity Centre ở Tây Úc. Như vậy điều gì đã thúc đẩy anh làm việc này?
Lý:
Tôi đã bị mất thị lực trong khoảng thời gian tuyệt vời nhất của cuộc đời mình nên tự nhiên có một vị trí lớn trong trái tim tôi dành cho những người đồng cảnh ngộ. Khi tôi thấy có cơ hội quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện liên quan đến việc chữa trị hoặc giúp đỡ người khiếm thị, tôi sẽ lao vào làm. Tôi nhận ra rằng sự đóng góp hoặc nỗ lực của mình sẽ không bao giờ là đủ nên tôi đặt mục tiêu nâng cao nhận thức hơn là quyên giúp.
Hà:
Vậy theo anh, nghệ thuật có thể đóng vai trò như thế nào trong việc làm cho xã hội của chúng ta dễ hòa nhập hơn đối với người khuyết tật?
Lý:
Tôi xin trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi. Khi chúng ta chiêm ngưỡng một bức tranh đẹp, chúng ta có thể nhận ra người họa sĩ có phải là người khuyết tật hay không? Nghệ thuật đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội của chúng ta. Bên cạnh việc làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta, nghệ thuật còn mang mọi người đến với nhau từ mọi tầng lớp của xã hội vì nghệ thuật không phân biệt đối xử về màu sắc, hình dạng, kích thước, giới tính, khả năng hay khuyết tật.
Hà:
Em cũng hoàn toàn đồng ý với anh về điểm này. Nghệ thuật dành cho tất cả mọi người phải không ạ? Như vậy có những thính giả muốn theo đuổi nghệ thuật nhưng vẫn còn lo ngại. Anh có thể đưa ra lời khuyên nào cho những thính giả này không?
Lý:
Tôi rất tệ trong việc đưa ra lời khuyên nên tôi sẽ không làm vậy. Thay vào đó, tôi sẽ kể một câu chuyện hài và sau đó mọi người có thể rút ra được một lời khuyên sau câu chuyện của tôi sẽ kể. Lúc tôi mới qua Úc, lúc nhỏ còn đi học, tôi cũng đi làm vệ sinh trong mấy nhà hát, mấy nhà cinema. Tôi nhận được tôi có thể gom góp tiền. Lúc tôi có thể gom góp đủ tiền thì tôi đem tiền đó tôi đi mua những khung vải, sơn, cọ để tôi thực hành sở thích của mình. Nhưng lúc đó thì lúc nào tôi cũng chờ đợi tới một thời gian đúng lúc để tôi có thể hứng thú để phác họa. Tôi chờ tới khoảng 30 năm sau tôi mới phác họa. Chuyện này thì rất là nực cười tại vì tôi lúc nào trong đầu tôi cũng muốn họa. Nhưng ngày mà tôi mua đó thì mấy năm sau tôi sẽ kiếm những đồ đó. Tôi để những đồ đó trong một cái thùng, thì tôi mở thùng ra để tôi coi những đồ đó còn xài được không. Ví dụ tôi sẽ bóp chai sơn đó để coi nó có cứng chưa. Một vài năm tôi trở lại bóp nó, thì khoảng 10 năm trước, nó vẫn còn mềm. Tôi nghĩ tôi vẫn còn thời gian. Tới 30 năm sau, tất cả đã bị cứng lại, không còn thể sử dụng được.
Tôi nghĩ, bởi vậy tôi mới nói, bạn sẽ không bao giờ. Đừng chờ đợi cho đến đúng thời điểm mà bạn có thể hứng thú để phác họa. Bạn phải tạo ra thời điểm đó. Đừng chờ đợi.
Hà:
Cảm ơn anh đã chia sẻ với thính giả một hành trình tiếp cận nghệ thuật đầy cảm hứng. Em nghĩ rằng có rất nhiều điều mọi người có thể chiêm nghiệm từ câu chuyện của anh. Riêng em thì rất rất tâm đắc với câu nói của anh. Có thể sẽ không có cái gọi là đúng thời điểm để bắt đầu một việc gì. Vì nếu mình không có bước đầu tiên thì sẽ không thể nào có bước thứ hai và thứ ba phải không ạ? Nhất là đối với nghệ thuật thì nó có thể tồn tại ở khắp mọi nơi, trong mọi khoảnh khắc. Và những điều mình nghĩ là khiếm khuyết của mình có khi lại giúp mình tiếp cận nghệ thuật theo một cách nào đó rất riêng.
Như vậy, trước khi chúng ta kết thúc chương trình này, anh có điều gì muốn nhắn gửi đến thính giả không?
Lý:
Cách tôi nhìn mọi thứ bây giờ, nghệ thuật là một cách sống. Mọi người đều làm một nghệ sĩ và mọi thứ bạn nhìn, nghe, cảm nhận, nếm và ngửi đều là khung vải để cho bạn vẽ, sơn họa lên một bức tranh. Khi hai người đang trò chuyện, hai người đều đang vẽ ra một bức tranh, vẽ một bức tranh về cuộc trò chuyện đó trong tâm trí của họ. Khi bạn cảm thấy một làn gió mát gợi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong quá khứ, bạn đang vẽ, sơn hay là họa lên một hoài niệm trong tâm trí. Khi bạn ngửi thấy một mùi thơm quen thuộc trong không khí khiến bạn liên tưởng đến người yêu cũ chẳng hạn, tâm trí của bạn sẽ ngay lập tức vẽ ra bức tranh của người đó dưới dạng một hình ảnh gợi nhớ. Khi vẽ, sơn hay họa, chúng ta chỉ là đưa những hình ảnh trong đầu của mình lên khung vải. Một người khéo léo có thể vẽ chính xác những gì trong tâm trí của họ. Nhưng bạn đừng nản lòng nếu bạn nghĩ bạn không có khéo léo. Tôi có một tin tốt để nói cho bạn nghe. Tin tốt là loại kỹ năng này có thể học được. Vì vậy, hãy thử đi. Bạn sẽ có thể làm chính mình ngạc nhiên đó.
Hà:
Xin cảm ơn anh. Em nghĩ rằng em cũng sẽ thử vẽ một bức tranh sau buổi trò chuyện ngày hôm nay.
Nếu quý vị yêu thích chuyên mục này, xin hãy vào trang web speakmylanguage.com.au để tìm hiểu thêm. Và nhớ chia sẻ cho người thân và bạn bè của mình cùng biết về chương trình.
Quý vị cũng có thể tìm thấy Speak My Language trên Facebook, Twitter, Instagram, hoặc LinkedIn. Xin hãy giúp chúng tôi tiếp nối cuộc đối thoại này trên khắp nước Úc và toàn thế giới!
Ethnic Communities’ Council của New South Wales tự hào là đơn vị sản xuất chương trình Speak My Language tại tiểu bang New South Wales.
Chương trình được tài trợ bởi Department of Social Services và phát thanh khắp nước Úc thông qua sự hợp tác của Ethnic and Multicultural Communities’ Councils và Multicultural Councils tại mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ. Chương trình được phát thanh trên đài SBS và đài NEMBC.


Hà Đỗ từ Việt Nam chuyển đến Sydney vào năm 2017. Cô có kiến thức chuyên ngành giáo dục và 15 năm kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ. Với khả năng song ngữ và sự kết nối với cộng đồng người Việt, Hà... Go to page where you can read more about Ha Do